Bên lề hội nghị ASEAN ở Campuchia, Tổng thống Mỹ dự kiến trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol về cách ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Các quan chức Mỹ cáo buộc cả Trung Quốc và Nga tạo điều kiện cho chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên bằng cách không thực thi đúng lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Dù Trung Quốc và Nga ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn sau vụ thử hạt nhân năm 2017 của Triều Tiên, hai nước hồi tháng 5 phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tăng áp lực cấm vận với Bình Nhưỡng, nhằm phản ứng với các vụ thử tên lửa đạn đạo mới.
Mỹ cho rằng cả Trung Quốc và Nga đều có động lực để thuyết phục Triều Tiên không nối lại hoạt động thử hạt nhân.
“Đây là lĩnh vực mà Trung Quốc và Mỹ từng làm việc cùng nhau. Vì vậy tôi nghĩ Tổng thống Biden sẽ tiến hành cuộc gặp với Chủ tịch Tập theo tinh thần này”, quan chức cấp cao Nhà Trắng chia sẻ.
Washington cũng lưu ý những bình luận của ông Tập về phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine khi gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần trước. Trong cuộc gặp, ông Tập kêu gọi cộng đồng quốc tế “phản đối việc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân”, và ngăn chặn “cuộc khủng hoảng hạt nhân Á – Âu”.
Đối với ông Tập, người được bầu làm Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba tại đại hội đảng tháng trước, cuộc gặp với Tổng thống Biden diễn ra khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn vì các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19. Chủ tịch Trung Quốc gần đây cũng tăng cường các nỗ lực ngoại giao, nhằm thúc đẩy vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế, sau hơn hai năm ông không rời khỏi đất nước.
Bonnie Glaser, chuyên gia châu Á tại Quỹ German Marshall của Mỹ, cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập là cơ hội hiếm hoi để hai nước giảm căng thẳng. Trung Quốc đã báo hiệu rằng họ muốn tránh đẩy quan hệ hai nước lao dốc thêm, khi nói rằng Bắc Kinh tìm kiếm “hợp tác đôi bên cùng có lợi với Washington”.
“Nhưng không rõ họ sẵn sàng làm gì để đạt được mục tiêu đó. Chính quyền ông Biden đã thúc đẩy nỗ lực thảo luận về các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong quan hệ song phương từ giữa năm 2021, nhưng Trung Quốc đã không quan tâm”, bà Glaser nói.
Dù không kỳ vọng cao về việc hai lãnh đạo có thể giải quyết tất cả các vấn đề, giới chức Mỹ hy vọng ông Tập và ông Biden có thể tìm tiếng nói chung về mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thông qua những “lằn ranh đỏ” mà hai bên vạch ra với nhau.
“Một trong những mục tiêu chính là khiến hai bên hiểu hơn về các ưu tiên và ý định của nhau, với mục tiêu giảm thiểu những hiểu lầm”, quan chức cấp cao Nhà Trắng nói, cho rằng cuộc gặp sắp tới không phải mang lại kết quả tức thì, mà là thiết lập nền tảng quan hệ cho tương lai.
Thanh Tâm (Theo Reuters, CNN)