Tập truyện “Bước Đổi Đời”
Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng “tôi” không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.
-
Một Mối Tình, Hai Nỗi Riêng
Tôi vẫn giữ lệ sáng thứ Năm đưa Quỳnh Châu đi ăn sáng và dạo phố dù đêm trước trằn trọc suốt đêm. Buổi trưa, ba má nàng gọi chúng tôi tới nhà ăn cơm. Cha vợ tôi vừa nghỉ hưu sau nhiều năm làm việc trên bộ Quốc gia Giáo dục và đang nghiên cứu kinh Pháp Hoa, tức là Diệu pháp Liên hoa kinh, một bộ kinh quan trọng nhất và chứa đựng những quan điểm chủ yếu của Phật giáo. Trong lúc Quỳnh Châu trò chuyện với mẹ nàng trong nhà, tôi ngồi dưới giàn hoa giấy nhìn ra đường Hồng Thập Tự, uống nước trà, và nghe ông giảng kinh Pháp Hoa. Rốt cuộc ông nhớ ra,
“Chiều nay anh không đi dạy?”
“Dạ các giảng khóa của con đã chấm dứt ở cả hai trường Phú Thọ lẫn Phú Nhuận; con chỉ làm nhiệm vụ hành chánh, đọc sách, và nghiên cứu giảng khóa mới. Nhưng hồi này đầu óc lung ta lung tung nên con không sao tập trung tinh thần để làm bất cứ việc gì,” tôi than thở.
“Ba hiểu. Quen biết anh hơn mười năm nay và biết rõ anh thương quý con Châu, ba má muốn anh ghi nhớ điều này: Anh phải quyết định những gì tốt đẹp nhất cho vợ chồng anh và tương lai con cái mà đừng lo lắng gì cho ba má cả. Ông bà già sống đến tuổi này, đã hưởng mọi vui thú trên đời, và không mơ ước gì hơn,” giọng ông trầm xuống.
Mặt trời khuất bóng sau những ngôi nhà cao khi tôi và Quỳnh Châu về đến nhà và trông thấy mọi người lăng xăng vui mừng khác thường. Cháu Dưỡng cuống quít nhảy cẫng lại giật giật tay tôi, “Chú Sang có bồ! Chú Sang có bồ!” Em Bình đưa mắt nhìn chúng tôi rồi liếc sang thằng Sang và cười chúm chím. Mẹ đang nói chuyện với một thiếu nữ trạc độ hai mươi tuổi, tóc dài ngang vai, mặt tròn xinh xắn, và môi cười tươi tắn ngồi cạnh thằng Sang. Nàng đứng dậy chào chúng tôi; tôi giới thiệu nàng với Quỳnh Châu,
“Đây là Hạnh Thúy bạn của Sang; anh gặp Thúy trong lần ra Phan Thiết thăm Sang khoảng một năm rưỡi trước đây. Em thấy Thúy đẹp dễ tào không?”
Hạnh Thúy tiếp tục câu chuyện còn bỏ dở với mẹ,
“Khi Phan Thiết thất thủ và quân mình rút lui, ba má con tiếc của ở lại giữ cửa hàng, nhưng giục con và em con ra đi. Nhờ quen với một sĩ quan Hải quân, hai chị em được cho lên tàu Hải quân rồi đưa ra trại tỵ nạn ngoài đảo Phú Quốc. Ở đó hai ngày với khoảng bốn chục ngàn người khác, con gặp ông anh họ làm lính Hải quân và nhờ ảnh gửi quá giang về căn cứ Hải quân Cát Lái ở Thủ Đức.”
“Bây giờ cô và cậu em ở đâu, về đây ở cho có chị có em,” mẹ thành thực mời.
“Dạ cám ơn bác, tụi con ở nhà cậu gần cầu Chữ Y trong Chợ Lớn.”
Thằng Sang ngượng nghịu và lúng túng ngồi không yên. Thấy tôi và Quỳnh Châu, nó vội vàng đứng dậy kéo chúng tôi ra sau nói nhỏ,
“Anh còn tiền không, cho tui mượn đỡ ít xấp (vài ngàn)?”
“Tao hết sạch rồi, nhưng để hỏi Châu xem,” tôi hiểu ra tại sao nó chưa rời khỏi nhà.
“May quá, hồi đầu tháng lãnh lương Châu chưa tiêu hết, còn gần một nửa đây. Sang lấy giúp Hạnh Thúy trong lúc hoạn nạn.”
Thằng Sang vào nhà trên và hất hàm nói với Hạnh Thúy,
“Thôi mình đi . . .”
“Dạ, dạ thưa bác cho con về,” nàng đứng dậy.
“Sao không ở nhà ăn cơm rồi đi chơi?” mẹ nói với thằng Sang nhưng biết nó sẽ không nghe lời nên dặn dò với câu nói thường lệ, “Nhớ về sớm sớm nghe con.”
“Con đưa Thúy về rồi tới nhà bạn ngủ, tối không về, và sáng mai vào bộ Tổng Tham mưu trình diện; có lẽ chiều mai con mới về nhà,” thằng Sang hối hả cùng Hạnh Thúy ra đi.
Tối hôm sau, cơm nước xong, thằng Sang rủ tôi và Quỳnh Châu ra quán Đa La trên đường Đào Duy Từ bên hông sân vận động Cộng hòa uống cà-phê và nghe nhạc. Lâu tôi không đến đây, quán có lẽ đã đổi chủ, và lối trang trí cũng khác. Khung cảnh cũ nhắc nhở những tháng ngày hai anh em bỏ nhà đi bụi đời, vào ở lậu trong Đại học xá Minh Mạng gần đó, và cùng nhau chia sẻ khổ cực thiếu thốn. Dưới ánh đèn mờ và trong tiếng nhạc dập dìu, em tôi bộc lộ nỗi hận sầu dấu kín trong lòng lâu nay.
* * *
Sang từ giã Đại học xá trình diện nhập ngũ theo lệnh gọi động viên, thụ huấn quân sự tại trường Bộ binh Thủ Đức, và trải qua chín tháng tập luyện gay go. Nhờ có bằng Tú tài ban B (Khoa học Toán) và đã học “chứng chỉ” MPC tức là lớp Toán Lý Hóa ở Đại học Khoa học Sài gòn, Sang được chọn về binh chủng Pháo binh và đưa đi học chuyên môn ở trung tâm Huấn luyện Pháo binh ngoài Dục Mỹ. Khóa học pháo binh kéo dài bốn tháng; thứ Bảy Chủ Nhật hay ngày lễ được nghỉ phép, Sang dzù về Nha Trang chơi, ở đó cha mẹ có nhà riêng từ lâu tuy gia đình đang ở Tuy Hòa. Nhờ vậy, mẹ và Sang có cơ hội trùng phùng và nối lại nhịp cầu tình thương bị gián đoạn mấy năm qua.
Chàng chuẩn úy pháo binh mới toanh được bổ về tiểu khu Bình Thuận ở Phan Thiết làm sĩ quan tiền sát theo bộ binh đi hành quân, gọi là đi đề-lô. “Đề lô” là cách đọc chữ viết tắt DLO của “détachement de liaison et d’observation” tiếng Pháp nghĩa là biệt phái để liên lạc và quan sát. Hãnh diện với nhiệm vụ của mình, Sang biên vào cuốn sổ ghi công việc hàng ngày,
Tên tôi là San hô
Chỉ thích đi đề-lô.
“San hô” là tiếng ngụy hóa chữ S (Sang) dùng khi gọi máy truyền tin. Những ngày không đi hành quân, chiều chiều Sang xuống biển Thương Chánh ngồi duới bóng mát đồi dương uống bia với các sĩ quan độc thân khác, hay giờ tan học lảng vảng trước cổng truờng trung học Phan Bội Châu, nhìn những chiếc áo dài trắng tung bay truớc gió, và mơ ước làm quen với con nhạn trắng tươi cuời xinh xắn là Hạnh Thúy. Nàng học lớp 12, gia đình người Việt gốc Hoa có cửa hàng bán đồ điện trên đường Gia Long, và cửa hàng chiếm trọn tầng trệt, ba tầng lầu trên dùng để ở. Dùng một kỹ thuật làm quen học được từ các anh lớn thời Đại học xá, Sang đi tới gần nàng và đánh bạo hỏi,
“Hạnh Thúy biết ở Bình Thuận người ta gọi cô gái đẹp nhất, ngoan nhất, và hiền nhất là gì không?”
“Làm sao tui biết được?” nàng cười duyên đẹp hết sảy.
“Là Hạnh Thúy đó, không biết sao?” Sang làm bộ ngần ngừ một giây rồi ra chiêu.
“Anh này ăn nói dzô dziêng, xạo ke mà không biết mắc cỡ,” nàng cười khúc khích.
“Vô duyên sao Hạnh Thúy lại cười? Mình bồ tèo với nhau nghen?” Sang tung chiêu tối hậu.
“Cũng được. Nhưng anh phải lại nhà chơi, đừng lẽo đẽo theo ngoài đường người ta cười tui thúi óc.”
Vậy là hai người quen nhau, và tình yêu của họ dần dần lớn mạnh. Cha mẹ nàng lạnh nhạt với Sang, nhưng không công khai phản đối và cho phép nàng đi dự liên hoan của sĩ quan tiểu khu trong những dịp lễ lớn với Sang. Sang yêu nàng với cả tấm lòng và mơ ước chuyện tương lai với nàng. Buổi tối ngày được thăng chức thiếu úy, Sang hớn hở đến nhà nàng định báo tin và ngỏ lời phác họa hôn nhân. Trước khi Sang bước lên lầu, đứa em kế mười sáu tuổi của nàng là thằng Tần giang tay ngăn lại,