Châu Âu đang chạy đua tiêm chủng nhằm đẩy lùi Covid-19, song nỗ lực này đối mặt với một trở ngại lớn: Hàng triệu người nhập cư không giấy tờ.
Tuy nhiên, nhiều nước đã loại người nhập cư không giấy tờ ra khỏi chiến dịch tiêm chủng của mình và tâm lý ngờ vực sâu sắc mà những người nhập cư dành cho giới chức càng khiến nỗ lực tiêm chủng trở nên khó khăn hơn.
Khoảng 64% dân số trưởng thành của châu Âu đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và gần 44% số dân tiêm đủ hai liều, theo kết quả khảo sát từ Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC). Tuy nhiên, trong bối cảnh biến chủng Delta với khả năng lây lan mạnh hơn đang trỗi dậy, mục tiêu tiêm chủng cho bộ phận dân cư còn lại càng trở nên cấp bách.
Tại Mỹ, người nhập cư không giấy tờ vẫn đủ điều kiện tiêm vaccine và chính quyền liên bang cho biết họ sẽ không tiến hành các hoạt động bắt bớ người nhập cư trái phép ở những địa điểm tiêm chủng.
Hồi tháng ba, Liên minh châu Âu (EU) công bố một hướng dẫn kêu gọi các quốc gia thành viên đưa tất cả những người nhập cư vào chương trình tiêm chủng Covid-19, bất kể tình trạng pháp lý của họ.
Dù vậy, các chính sách và quy trình tiêm chủng đang có khác biệt rất lớn trên khắp châu Âu. Một báo cáo của ECDC hồi tháng trước chỉ ra rằng tỷ lệ tiêm chủng vẫn rất thấp ở một số nhóm người nhập cư.
“Tiêm chủng bắt buộc cho người nhập cư là chính sách hợp lý nhưng đây vẫn là vấn đề bị né tránh ở một số quốc gia”, Alyna Smith, điều phối viên từ Diễn đàn Hợp tác Quốc tế về Người di cư Không giấy tờ (PICUM), đánh giá.
Những khó khăn trong việc tiêm chủng cho nhóm “người vô hình” này đã làm bật lên tình trạng bất bình đẳng về chăm sóc y tế hiện nay. Các chuyên gia y tế công cộng cho biết lỗ hổng mà nó tạo ra có thể khiến hành trình trở lại cuộc sống bình thường ở châu Âu không bao giờ đến đích.
“Giải quyết vấn đề nhập cư là điều tối quan trọng bởi đó là nhóm ưu tiên, là những người dễ bị tổn thương bởi các yếu tố rủi ro, điều kiện sống cũng như làm việc của họ”, Benedetta Armocida, thạc sĩ nghiên cứu về y tế toàn cầu tại Đại học Geneva, Thụy Sĩ, nhận xét.
Ngay cả trước đại dịch, người nhập cư không giấy tờ đã phải đối mặt với vô số rào cản y tế tại nhiều nước châu Âu, theo Sally Hargreaves, chuyên gia y tế, tác giả chính trong báo cáo của ECDC.
Trong quá khứ, một số nước, bao gồm cả Anh, vẫn có chính sách tính phí dịch vụ y tế đối với người nhập cư, trong khi công dân được miễn phí. Nhiều nơi thậm chí còn từ chối điều trị cho người nhập cư bất hợp pháp.
Nỗi sợ bị trục xuất hay lo lắng về hóa đơn y tế đắt đỏ khiến những người nhập cư trái phép có xu hướng tự tìm cách điều trị các căn bệnh mạn tính, làm gia tăng nguy xảy ra biến chứng khi mắc Covid-19, chuyên gia y tế công cộng nhận định. Nỗi lo lắng này cũng khiến không ít người cảm thấy ngần ngại và tránh xa các trung tâm tiêm chủng.
“Khi bạn nói chuyện với những người nhập cư và các cộng đồng thiểu số, bạn sẽ nhận thấy họ thực sự thiếu tin tưởng vào hệ thống y tế”, Hargreaves cho hay.
Dù vậy, vẫn có một số quốc gia đã ưu tiên người nhập cư không giấy tờ trong chương trình tiêm chủng. Kế hoạch tiêm chủng của Hà Lan nêu rõ rằng nhóm này đủ điều kiện tiêm vaccine. Bồ Đào Nha xây dựng một nền tảng trực tuyến cho những người nhập cư không giấy tờ để đặt lịch hẹn tiêm vaccine và hơn 19.000 người đã đăng ký, theo PICUM.
Tất cả những người cư trú tại Bỉ đều đủ điều kiện tiêm vaccine và chính phủ nước này đã quy định rằng dữ liệu thu thập trong quá trình tiêm chủng chỉ được phép sử dụng cho mục đích y tế.