Nhiều người Malaysia đăng ký tiêm vaccine Covid-19 nhưng lại không đến theo lịch hẹn, làm dấy lên lo ngại từ tâm lý hoài nghi tiêm chủng trong cộng đồng.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hiểu rõ Covid-19 đang đe dọa sinh mạng hàng triệu người dân cũng như sự nghiệp chính trị của ông. Vì thế, ông vạch ra một kế hoạch thoát khỏi Covid-19 gồm 4 giai đoạn, trong đó mục tiêu đến tháng 10 phải tiêm chủng cho 60% dân số là chìa khóa quan trọng.

Để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, 5 trung tâm tiêm chủng siêu lớn đã được thành lập xung quanh thủ đô Kuala Lumpur. Giới chức đang lên phương án lập thêm các trung tâm tương tự ở Penang và Joho, theo Bộ trưởng Khoa học Khairy Jamaluddin.
Thủ tướng Muhyiddin tuần trước cam kết sẽ mở thêm 300 trung tâm tiêm chủng nữa và Malaysia theo kế hoạch sẽ nhận thêm 16 triệu liều vaccine trong vòng hai tháng tới. Ngoài ra, các đơn vị tiêm chủng lưu động cũng sẽ được triển khai tại 9 bang.
Malaysia đã thông qua ba loại vaccine cho chương trình tiêm chủng quốc gia gồm Pfizer-BioNTech, AstraZeneca và CoronaVac. Hôm 15/6, họ tiếp tục phê duyệt có điều kiện cho hai loại vaccine của hãng CanSino Biologics, Trung Quốc, và Johnson & Johnson, Mỹ.
Tuy nhiên, một rào cản lớn cho chiến dịch là thái độ và tâm lý lưỡng lự của công chúng đối với tiêm chủng.
Trong cuộc khảo sát do Bộ Y tế Malaysia thực hiện hồi cuối tháng 12, khoảng 2/3 trong 212.000 người được khảo sát nói sẽ chấp nhận tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên 17% người tham gia cho biết họ không yên tâm về vaccine. 78% trong nhóm này không tin tưởng vaccine sẽ có tác dụng và 71% nghĩ chúng không đủ an toàn.
Khoảng 1/6 số người tham gia khảo sát nói họ sẽ không tiêm vaccine. 96% trong nhóm này cho hay nguyên nhân chính là do lo ngại tác dụng phụ. 85% hoài nghi về thành phần vaccine.
Tâm lý do dự tiêm vaccine đặc biệt cao ở những cộng đồng thu nhập thấp. Theo một cuộc khảo sát của Liên Hợp Quốc, hơn 1/3 số người sống trong các khu nhà ở công cộng tại thủ đô Kuala Lumpur cho biết họ không muốn tiêm chủng dù được miễn phí.
Một sắc lệnh quy định phạt tiền hoặc phạt tù đối với những ai lan truyền thông tin sai sự thật về vaccine đã được thông qua hồi tháng 5 trong nỗ lực chống lại những thuyết âm mưu tiêm chủng đang lan truyền tại Malaysia, như vaccine Covid-19 bị cấy vi mạch theo dõi bí mật, có thể thay đổi ADN người tiêm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của phụ nữ.
Nhiều “chuyên gia” tự phong còn tuyên bố có thể chống lại Covid-19 bằng cách tăng khả năng miễn dịch tự thân thông qua “các loại thảo dược và phương pháp tự nhiên khác”. Họ cũng gây ra sợ hãi bằng việc trích dẫn báo cáo từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về hai trường hợp tử vong trong thử nghiệm lâm sàng của Pfizer, bỏ qua thực tế rằng hai nạn nhân chết vì những lý do không liên quan đến vaccine.