Thursday, March 28, 2024
spot_img

Nỗi Lòng Thiếu Nữ

Nỗi Lòng Thiếu Nữ

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Hoa

Hai tuần lễ sau khi tôi đặt chân lên đảo Guam, Quốc hội Hoa kỳ thông qua đạo luật Cứu trợ Dân Di cư và Tỵ nạn Đông dương 1975 cấp ngân khoản cho bộ Ngoại giao và bộ Y tế, Giáo dục, và An sinh để xúc tiến chương trình định cư cho những kẻ mất quê hương, và chấm dứt những ngày khắc khoải đợi chờ của họ.  Tổng cộng trên 130 ngàn người sẽ được chở bằng máy bay vào bốn trại tỵ nạn ở (lục địa) Hoa kỳ trong chiến dịch Người Mới Đến (New Arrivals) di chuyển và nuôi ăn ở cho đến khi người tỵ nạn đi định cư và hội nhập vào xã hội Hoa kỳ.  Mỗi trại do một binh chủng phụ trách điều hành:  Căn cứ Không quân Eglin của Không quân ở tiểu bang Florida, Đồn Chaffee của Lục quân ở Arkansas, Trại Pendleton của Thủy quân Lục chiến ở California, và Đồn Indiantown Gap của Hải quân ở Pennsylvania.

                              

It ai biết rõ địa điểm trại tỵ nạn có ảnh hưởng thế nào đến việc định cư và tương lai của mình; đối với nhiều người, lựa chọn trại sẽ đến không phải là chuyện dễ dàng.  Trong cuộc bàn tán về đêm ở “Ngã Năm Quốc tế,” anh Bảng là người lớn tuổi và hay than phiền nhất bọn càu nhàu,

          “Mấy anh Mỹ thật rắc rối!  Sao không chỉ định quách cho xong, chứ dân ngu khu đen như đám ‘danh ca’ thì biết nơi nảo nơi nao mà chọn với lựa?”  “Danh ca” (“đánh cá” không bỏ dấu tiếng Việt) là lối gọi mỉa những người làm nghề chài lưới.

          “Anh trở thành ông cụ khó tính nhất thiên hạ lúc nào vậy?  Người ta cho anh tự do lựa chọn, anh than phiền; nếu mà bắt anh đi chỗ không vừa ý, anh có chịu yên không?” anh Hán cười trêu anh Bảng và bồi thêm, “Thế mới biết,

Ở sao cho vừa lòng người

Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.”  (Ca dao)

          “Con nhà Bảng khéo lo bò trắng răng, cha nó lú thì chú nó khôn, ‘danh ca’ i tờ rít thì đã có cha xứ ‘nàm’ cố vấn tối cao.  Chỉ có mấy tên ‘trí thức tiểu tư sản’ đầu có sạn như mình mới lo lắng bàn tới bàn lui mỏi miệng mà chẳng đến đâu,” anh Luật hùa theo chọc quê anh Bảng.

Anh Bảng bực mình hỏi vặn,

          “Vậy cậu đi nơi nào và tại sao, nói thử tôi nghe?”

          “Tớ đi Đồn Chaffee ở Arkansas.  Tiểu bang đó nằm cạnh Kansas là nơi tớ sống chín tháng khi theo học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Đồn Leavenworth.  Dễ như bỡn ấy mà!” anh Luật trả lời rồi quay sang hỏi tôi, “Còn cậu Ba Hoa tính ‘nàm thao’?”

          “Em đi Trại Pendleton.  Chọn California vì em có nhiều bạn đồng nghiệp đã du học tại Đại học California Long Beach và hy vọng sẽ móc nối kiếm được chân dạy học tại đó.  Quỳnh Châu tốt nghiệp Đại học Stanford ở bắc California, và gia đình anh Leon bạn em cũng ở đó.  Anh ấy đang ở bên Nhật và sẽ bay về Mỹ gặp em sau khi em tới nơi,” tôi đã bàn với Quỳnh Châu và dự tính từ trước.

“Vậy tôi cũng đi California như cậu,” anh Hán suy nghĩ một lát rồi nói.

          “Tôi cũng đi California.  Xong rồi,” anh Bảng quyết định nhanh chóng không ngờ.

 

Tôi chợt thấy một thiếu nữ nãy giờ lảng vảng sau lưng tôi.  Tôi ngoảnh cổ nhìn và bắt gặp một đôi mắt long lanh mà rụt rè; nàng bước lại chào với giọng nói run run,

          “Thưa thầy . . .  Em là Vân Bình học lớp đệ nhị niên ban điện tử.”  Nàng là một sinh viên xuất sắc học với tôi niên khóa vừa qua ở Phú Thọ, và nếu không mất nước, sẽ là một nữ kỹ sư điện tử đầu tiên tốt nghiệp tại Việt nam. 

          “A, chị Bình, tôi nhớ trong lớp chị ngồi ở bàn đầu và học rất giỏi.  Trên tàu Hải quân tôi có gặp Ninh học cùng lớp với chị.”

          “Dạ, em gặp Ninh và được Ninh cho biết.  Mấy hôm nay em ra đây mà chỉ đứng xa xa nhìn không dám lại chào thầy,” nàng rơm rơm nước mắt.

          “Sao vậy?  Tôi ít có thì giờ chuyện trò với sinh viên, nhưng trong trường luôn luôn xem mình là đàn anh của các anh chị thôi.  Chị đi với ai, gia đình đâu?”

          “Dạ, em lạc ba má và đi với thằng em,” nàng khóc ròng kể lại cuộc ra đi bất ý của chị em nàng.

Cha Vân Bình trước là hạ sĩ quan phục vụ trong quân đội, đánh giặc bị thương, và giải ngũ ở nhà trông nom cửa hàng tạp hóa giúp vợ.  Vân Bình lớn nhất nhà, và hai em thì đứa lớn mười bốn tuổi và con bé út chín tuổi.  Ngày 30 tháng Tư, cha nàng đưa gia đình ra bến tàu Sài gòn tìm đường di tản.  Từ nhà ở Gò Vấp, Vân Bình đi xe gắn máy chở cậu em, và cha nàng chở vợ và bé út bằng chiếc xe thứ hai.  Khi đến gần trung tâm thành phố, hai xe lạc nhau trong cảnh náo loạn súng nổ đạn bay.  Vân Bình lo sợ quay xe trở lại tìm cha mẹ và đi lạc loanh quanh một hồi lâu thì bất ngờ ra được bến tàu.  Nàng vừa khóc vừa hỏi người chung quanh xem có ai trông thấy cha mẹ nàng ở đâu không.  Một quân nhân chỉ vào chiếc ghe nằm sát bờ bảo theo ghe ra chiếc tàu đậu giữa sông, biết đâu cha mẹ nàng đã lên tàu.  Nàng nghe lời dắt em lên tàu, chưa kịp tìm thì tàu đã ra đi.  Hai chị em thành bơ vơ không cha không mẹ.

Cảnh ngộ đáng thương của cô học trò mười chín tuổi lần đầu tiên ra khỏi tầm tay cha mẹ khiến tôi xúc động và nắm tay nàng an ủi.  Vân Bình ôm tôi khóc nấc, vai áo tôi ướt đẫm nước mắt.  Khi cơn đau buồn dịu lại, nàng bẽn lẽn buông tôi ra,

          “Xin lỗi thầy, đáng lẽ em không được làm phiền thầy.”

          “Không sao đâu, chị cứ khóc đi cho vơi bớt lo buồn.  Chị sẽ đi trại nào bên Mỹ?”

          “Dạ em không biết.  Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ em phải quyết định việc gì cho mình.”

botayvkc
botayvkchttps://botayvk.com
My Dinh 245 JANE ST # 702 TORONTO, ONTARIO M3M1A3 myhan245@gmail.com & sachile2001@yahoo.ca Tel: (416) 671 2711 SA CHI LE: WRITER, POET, POEM SINGER OPERATER & EDITOR: https://botayvk.com http://youtube.com/sachilechannel
RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments