Tháng 9, chúng tôi đến thăm Nguyễn Ngọc Thùy Trang (SN 2006) thì em còn mỉm cười kiên cường dù vừa mới vào xong bình hóa chất kéo dài 6 tiếng. Môi em tím tái, da mặt nhợt nhạt vì bệnh lâu ngày, nhưng nụ cười vẫn tươi tắn với tinh thần cầu sống mãnh liệt.
Thế nhưng, đến đầu tháng 12, cô gái 17 tuổi ấy vẫn mỉm cười nhưng đôi môi tím tái chỉ nhếch lên nhẹ nhàng và buồn bã. Em cúi đầu nhìn chiếc chân cụt vừa bị cắt. 17 tuổi, em không còn chân nữa.
Tháng 9/2021, cả nước giãn cách chống dịch Covid-19. Thời điểm này, Trang vào lớp 10. Học được vài ngày thì mu bàn chân phải của Trang mọc một khối u cứng, nhỏ bằng đầu ngón tay, không đau nhưng khó chịu.
Khi hết giãn cách, chị Nguyễn Thị Thương (SN 1981, mẹ Trang) đưa con đi bệnh viện khám thì mới biết có khối u ngay vị trí xương bàn chân. Nghi ngờ Trang bị ung thư xương, bác sĩ đề nghị chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị.
“Lúc đó vừa dịch xong, vợ chồng em thất nghiệp mấy tháng rồi nên gia đình rất khó khăn, nghe thêm tin con bị ung thư thì em gần như tuyệt vọng, không biết xoay xở tiền ở đâu cho con trị bệnh!”, chị Thương tâm sự.
Nhưng lòng thương con thôi thúc, chị Thương cũng không biết mình đã bao nhiêu lần rà danh bạ điện thoại, tìm kiếm từng người quen để gọi hỏi mượn tiền.
Từ những đồng tiền vay mượn, gom góp từng chút ấy, Thương đưa con lên bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM mổ sinh thiết, chuyển qua Bệnh viện Truyền máu – Huyết học xét nghiệm mới biết Thùy Trang bị bệnh Sarcoma Ewing. Đây là một loại ung thư hiếm gặp, thường ảnh hưởng đến xương và các mô mềm.
Ngay sau khi phát hiện bệnh, Trang được chuyển qua bệnh viện Nhi đồng 2 hóa trị rồi tiến hành phẫu thuật tách khối u, cắt bỏ ngón chân giữa và một khối xương bàn chân phải.
Sau đợt phẫu thuật cắt xương bàn chân, Trang tiếp tục hóa trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Đến đầu năm 2022, Trang được chuyển ra bệnh viện Trung ương Huế xạ trị 28 tia trong 2 tháng.
Đến tháng 10/2022, Trang được chuyển qua Bệnh viện Ung bướu TPHCM hóa trị tiếp thêm 10 chu kỳ. Nhưng những đợt hóa trị không thấy hiệu quả, em bị di căn và xuất hiện khối u mới ở bắp chân phải vào đầu năm 2023.
Đến tháng 11, sau quá trình tư vấn của bác sĩ, cô bé Thùy Trang mới bước sang tuổi 17 đã quyết định đoạn chi, cắt bỏ chân phải để loại bỏ tế bào ung thư, ngăn ngừa di căn, giữ lại mạng sống với mơ ước trở lại trường học.
“Đừng điều trị cho con nữa mẹ ơi!”
Ông nội Trang là cụ Nguyễn Xuân Hòa (SN 1941) bị tiểu đường, nằm liệt giường từ năm 2012, mọi sinh hoạt đều phải có người chăm sóc.
Bà nội Trang là cụ Phan Thị Tư (SN 1943) thì bị tai biến từ năm 2003 và liệt toàn thân từ đó. Sau 10 năm kiên trì tập vật lý trị liệu, cụ Tư đứng lên và đi lại chậm rãi được 5 năm thì yếu hẳn, nằm liệt từ năm 2018 cho đến khi mất (tháng 8/2022).
Hơn 10 năm nay, chị Thương chỉ làm những công việc lặt vặt như vá lưới, nhận tôm cá về nhà sơ chế kiếm vài chục ngàn đồng mỗi ngày để tiện chăm sóc cha mẹ chồng.
Mọi chi tiêu của gia đình đè nặng lên vai anh Nguyễn Xuân Tòng (SN 1976, cha Trang). Sau nhiều năm cố gắng làm ăn, anh Tòng cũng tiết kiệm được một số tiền và kêu gọi anh em hùn vốn mua tàu nhỏ đi đánh bắt cá trên vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tai nạn ập đến vào năm 2017, anh Tòng gặp tai nạn mất tàu, mất vốn còn mang nợ tiền anh em hùn vốn. Tòng làm công nhân, đi biển thuê cho tàu khác nên thu nhập giảm mạnh, cuộc sống rất chật vật. 2 năm nay, anh Tòng chỉ đi làm thuê quanh làng vì phải ở nhà chăm sóc cha già.
Từ khi hiểu chuyện, Trang đã biết nhà mình khó khăn. Từ nhỏ, Trang chăm chỉ học hành, mong ước mau trưởng thành để đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Thế nhưng, ước mơ ấy gần như sụp đổ khi em không còn chân nữa. Em cũng không chắc mình còn sống được bao lâu nếu không được điều trị tiếp.
Sau ca phẫu thuật đoạn chi tại bệnh viện chấn thương chỉnh hình, Trang đang được điều dưỡng hồi sức. Khi dưỡng lành vết mổ, Trang sẽ được chuyển lại Bệnh viện Ung bướu TPHCM hóa trị tiếp để ngăn ngừa tái phát.
Nhưng quan trọng là bây giờ chị Thương kiếm đâu ra tiền cho những chu kỳ hóa trị tiếp theo? Bệnh nhân mắc Sarcoma Ewing thường không qua khỏi nếu bị di căn. Khi đó, mọi nỗ lực 2 năm qua và hy sinh cắt bỏ chân phải của Trang đều trở thành vô nghĩa.
Chị Thương cho hay: “2 năm điều trị cho con, em mượn anh chị em, người quen, vay tiền Hội Phụ nữ, tiền hộ nghèo… đã gần 300 triệu đồng. Giờ nghe em hỏi vay tiền, ai cũng thương mà không giúp được gì”.
Thấy mẹ mệt mỏi thở dài, Trang bảo: “Bệnh này trước sau gì cũng chết, mẹ đừng điều trị cho con nữa mẹ ơi, nhà mình còn tiền đâu, cho con về nhà đi mẹ!”.
Chị Thương ôm mặt mà khóc nức nở. Có người mẹ nào nỡ lòng đưa con bệnh tật về nhà chờ chết trong đau đớn bao giờ!
Ông Phạm Văn Long, Trưởng ấp Phước Thắng (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết: “Nhà cô Thương khổ lắm, cha mẹ nằm liệt giường cả chục năm nay nên 2 vợ chồng có làm được gì đâu. Giờ đứa con bệnh nặng nữa, bao nhiêu tiền lo cho đủ!”.
“Vợ thì theo con đi chữa bệnh. Chồng thì ở nhà lo cho cha không đi làm được. Thu nhập không có, chi tiêu thì nhiều. Địa phương chỉ hỗ trợ được chính sách, quà từ thiện chứ tiền trị bệnh thì không có nguồn nào bố trí. Nếu nhà cô Thương được báo chí, mạnh thường quân hỗ trợ thì địa phương rất cảm ơn!”, ông Long nói.
1. Chị Nguyễn Thị Thương
Địa chỉ: Tổ 3, ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
SĐT: 0972.007922
2. Báo điện tử Dân trí
Số 2, Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội
Tel: 024. 3. 7366.491/ Fax: 024. 3. 7366.490
Email: nhanai@dantri.com.vn
Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:
(nội dung chuyển khoản ghi: ủng hộ MS 5078)
* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:
Tên TK: Báo Điện tử Dân trí
Số TK: 1017378606
Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thành Công – Hà Nội.