Thiếu Nữ Và Con Mắt Trái
Trần Thị Diệu Tâm
Thiếu nữ ấy là bạn tôi. Cô ta có thói quen nhìn cuộc sống bằng con mắt phía trái. Điều này có nghĩa là cô thường nhìn sự việc phía mặt sau của nó.
Cho nên tính tình cô hơi khó chịu, bạn bè không ai ưa vì cái tật nói thẳng, nói như đâm vào tim. Có lẽ thế nên cô chưa có chồng, dù năm nay đã gần bốn chục xuân. Tôi cũng độc thân như cô, tuy nhiên tôi có người yêu. Người tôi yêu đang còn ở Việt Nam. Chúng tôi yêu nhau từ ngày xa xưa, lúc chưa có trại tù mọc lên như nấm trên thân thể quê hương hình chữ S. Tôi chờ chàng ra tù, vì chúng tôi đã hứa hôn.
Thiếu nữ và tôi có hai nghề nghiệp khác nhau, cô ấy hiện là y tá trong một bệnh viện lớn ở Paris, phụ trách phòng hồi sinh, nghĩa là người nào sắp được ăn bát cháo lú quên chuyện đời, bước qua cây cầu biên giới giữa sống và chết thì cô ta kéo ngược họ trở về, bắt họ đổ mồ hôi lẫn nước mắt cho cuộc trần ai này. Còn tôi, đứng bán hàng ở một trung tâm mỹ phẩm và nước hoa danh tiếng tại Champs- Élysées, có thể vì ảnh hưởng nghề nghiệp nên tôi ngửi cuộc đời này bằng mùi hương hoa, còn tô thêm son thêm phấn cho đời thêm diễm ảo.
Chúng tôi thuê chung một căn nhà. Ban ngày có chuyện gì vui, tối kể cho nhau nghe.
“Hôm nay bạn ơi, có một ông người Ý mua một lô nước hoa toàn mùi trứ danh của ba nhà Christian Dior, Chanel và Rochas. Ông ta bắt phải gói thật đẹp để làm quà. Thật ít có người đàn ông nào tặng vợ lịch sự như thế.”
Thiếu nữ:
“Người đàn ông như thế phải giàu, mà giàu thì cũng đã năm mươi sáu mươi. Tuổi này ít nhất là một vợ và hai nhân tình.”
“Sao biết?”
“Mua 3 loại nước hoa khác nhau nghĩa là tặng vợ một, còn thì tặng bồ.”
Tôi ngẩn mặt, hình ảnh ông khách lịch sự trịnh trọng ban sáng trở nên tầm thường.
Tôi cãi:
“Nhưng ông ta đứng đắn lắm.”
Thiếu nữ:
“Sự đứng đắn của đàn ông có thể ẩn dấu một khoái cảm đàn bà cao độ.”
Tôi hỏi:
“Vậy đàn bà là gì?”
Thiếu nữ:
“Đàn bà là một thứ “Sex” có quyền lực lớn hơn hết mọi quyền lực ở đời.”
“Chỉ có thế thôi?”
Cô bạn trả lời:
“Trong thế giới văn minh này, người đàn bà được trau chuốt óng ả cốt để quyến rũ thu hút dâm tính đàn ông.”
Tôi không còn thắc mắc tại sao lâu nay cô bạn mình sống dửng dưng với áo quần thời trang, với son phấn xanh đỏ vàng tím. Đàn ông với cô chỉ là một con thú bất trung tầm thường. Nhưng tôi khơi niềm hy vọng:
“Thế còn tình yêu?”
Thiếu nữ lãng đãng:
“Đó là một sản phẩm trí óc con người. Con người từng đau khổ do sự tưởng tượng về tình yêu của mình. Thật ra tình yêu chỉ là rung động của hai thể xác. Hết rung động là hết yêu.”
Tôi nhìn thiếu nữ:
“Không nên tuyệt vọng với đời như thế, hãy giữ gìn một điều tốt đẹp cho mình và cho người.”
Thiếu nữ trả lời:
“Tôi không tuyệt vọng vì đã không hề hy vọng bất cứ điều gì. Rồi cô kể tiếp- Sáng nay trong nhà thương có một bà tự tử vì ghen, đem vào cấp cứu thì đã muộn. Trong túi áo có bức thư tuyệt mệnh cho biết vì quá yêu chồng, không muốn thấy người mình yêu chia sẻ tình cho kẻ khác. Tự tử chỉ vì quá tin vào tình yêu.”
Tôi trầm ngâm:
“Đời sống lứa đôi là một thảm kịch.”
Sau lúc trò chuyện, tôi im lặng vì tôi xót xa cho tôi, một người thích bám víu những màu mè cuộc sống để thấy nó tươi tắn nồng nàn. Tuần này chúng tôỉ nhận được giấy mời dự buổi họp mặt của một Hội đoàn. Thiếu nữ không thích đám đông, tôi trái lại vì có dịp trang điểm chưng diện, thiếu nữ nhìn tôi cười:
“Coi chừng, diện đẹp thế là nguy.”
“Sao lại nguy?”
“Có người tán tỉnh thêm mệt.”
Tôi chỉnh:
“Vui chứ. Không có đàn ông theo mới buồn.”
Thiếu nữ:
“Nè bạn, hãy trung tín với người đàn ông đang ở trong tù.”
“Tôi luôn luôn chờ đợi.”
Thiếu nữ nói:
“Chải chuốt bóng bẩy là ngụ ý quyến rũ đàn ông, bạn chờ đợi trong manh nha phản bội.”
Tôi bực mình vì cách nói cay độc, nhưng thiếu nữ xin lỗi đã lỡ nói lên điều suy nghĩ thật thà của mình.
Đến buổi họp mặt, gồm những khuôn mặt đàn ông, đàn bà đã thấy nhiều lần. Có ông đến gần thiếu nữ bắt chuyện:
“Có ai lọt vào mắt xanh của cô chưa?”
Tức thì bạn tôi trả lời:
“Xin lỗi ông, tôi là người Việt, mắt tôi không xanh, mắt tôi đen nên thấy mọi điều đen tối cả. Kể cả ông.”
Người đàn ông hoảng sợ bỏ đi.
Tôi kéo tay cô bạn gái:
“Quái ác vừa thôi, ông ta mấy lần điện thoại hỏi thăm bạn.”
“Ăn mặc bảnh bao, đúng mốt nhưng ngu, ăn nối vô duyên, đuổi thằng cha đi tán cô khác.”
Trên bục diễn có một ông đang hùng hổ phát biểu.
Thiếu nữ nói lớn:
“Lão này có bệnh mê mi-crô.”
Tôi suỵt bảo nói khẽ chứ. Hơn nửa giờ sau, cái mi-crô mỏi mệt kêu rè rè. Nghỉ, uống nước ăn bánh ngọt. Sau đó có mục trao đổi ý kiến các vấn đề Việt Nam, những nạn nhân Cộng Sản, kêu gọi tình người.
Cô bạn nói với tôi:
“Đám đông của bạn là những người có bằng cấp cao, có tiền có bạc, trông mãn nguyện quá. Họ làm việc xã hội với những toan tính cá nhân làm gì có tâm hồn để đau khổ chân thật mà thương yêu kẻ khác.”
Giọng cô ta sắc làm mấy ông bà sang trọng đứng cạnh coi bộ khó chịu.
Có bà nói:
“Con này khùng!”
Tôi ngượng kéo tay thiếu nữ ra về.
Mấy hôm nay trời đã sang Thu, cái lành lạnh làm tôi nhớ nhung người yêu đang ở xa, cảm thấy mình thật đơn độc. Tôi đi mua một lô sách báo Việt về nằm đọc buổi tối. Không còn muốn trò chuyện với cô bạn cùng nhà. Những trang sách chứa đựng khắc khoải, bỗng dưng tôi thèm viết lạ kỳ, biết đâu yêu chữ yêu nghĩa lại sung sướng hơn yêu người. Thiếu nữ vào phòng tôi hỏi han:
“Buồn lắm hả?”