Phần lớn tòa nhà quốc hội Mỹ được xây bằng vật liệu không bắt lửa như sắt, đá cẩm thạch và sa thạch, nhưng sức nóng của ngọn lửa quá lớn đã làm tan chảy cửa sổ trần bằng kính, phá hủy các tác phẩm điêu khắc và gây hư hại nặng cho phần lớn kiến trúc. Lửa lan nhanh và dữ dội đến mức quân Anh phải rút lui, bỏ qua một số khu vực của tòa nhà.
Ngày 25/8/1814, một cơn giông trút mưa xuống thành phố Washington, giúp dập tắt đám cháy nhưng vẫn gây thiệt hại hàng trăm nghìn USD. Một số kiến trúc bằng đá sa thạch sót lại sau vụ hỏa hoạn vẫn tồn tại ở Đồi Capitol ngày nay.

Ngày 24/12/1814, đại diện Anh và Mỹ ký Hiệp ước Ghent tại thành phố cùng tên thuộc Vương quốc Hà Lan, ngày nay thuộc Bỉ. Thỏa thuận này khôi phục lại nguyên trạng trước chiến tranh, hai nước cũng trao trả những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong giao tranh.
Tin tức về thỏa thuận được chuyển đến các lực lượng Mỹ dưới sự chỉ huy của tổng thống tương lai Andrew Jackson ngay trước khi họ giành chiến thắng trong trận New Orleans ngày 12/2/1815. Chính phủ Mỹ đến tháng 2 năm đó mới phê chuẩn hiệp ước.
Quá trình xây dựng lại Đồi Capitol bắt đầu cuối năm 1815 và kéo dài đến năm 1826. Tòa nhà quốc hội được mở rộng thêm vào năm 1850, trong khi phần mái được bổ sung 5 năm sau đó.
Năm 1958, Đồi Capitol tiếp tục được mở rộng một lần nữa và trở thành biểu tượng cho nền dân chủ “bất khả xâm phạm” của Mỹ, cho đến khi bị đám đông biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump xâm nhập.
Duy Sơn (Theo Drive)